Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số. Trong Nghị định có đưa ra thuật ngữ Dịch vụ chia sẻ dữ liệu. Đây có thể nói là cụm từ then chốt có ảnh hưởng xuyên suốt Nghị định. Khi tiếp cận và thực thi Nghị định này chắc không ít các ý kiến băn khoăn: Dịch vụ Chia sẻ dữ liệu được hiểu thế nào? Và bản chất Dịch chia sẻ dữ liệu là gì và thể hiện ra sao trong thực tế?
Trước hết phải thấy rằng bất kỳ văn bản pháp luật nào cũng không thể định nghĩa, giải thích tới cùng vấn đề một cụm từ, thuật ngữ được nhắc tới trong văn bản. Ví dụ: cụm từ dịch vụ mà chúng ta đang tìm hiểu được Luật Dân sự, Luật Thương mại đề cập đến nhưng không có định nghĩa cụ thể; hay dịch vụ công nghệ thông tin được quy định trong Luật Công nghệ thông tin cũng không có định nghĩa; và còn nhiều cụm từ, thuật ngữ khác mặc dù được sử dụng thường xuyên nhưng chưa chắc đã được định nghĩa đầy đủ trong các văn bản. Trong các trường hợp này, việc hiểu nó căn cứ vào nghĩa gốc trong tiếng Việt và ngữ cảnh sử dụng.
Quay trở lại khái niệm Dịch vụ chia sẻ dữ liệu. Khoản 3, Điều 3 Nghị định 47/2020/NĐ-CP quy định Dịch vụ chia sẻ dữ liệu là các dịch vụ cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác hoặc thu nhận dữ liệu từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân qua các hệ thống thông tin. Trong hệ thống thông tin, dịch vụ chia sẻ dữ liệu là giao diện tương tác của phần mềm phục vụ tiếp nhận kết nối và trao đổi các thông điệp dữ liệu với các hệ thống bên ngoài.
Như vậy trong khái niệm này ta thấy có nghĩa tổng quát “là các dịch vụ cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác hoặc thu nhận dữ liệu từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân qua các hệ thống thông tin” và trường hợp cụ thể “là giao diện tương tác của phần mềm phục vụ tiếp nhận kết nối và trao đổi các thông điệp dữ liệu với các hệ thống bên ngoài” nhằm mô tả một thể hiện của dịch vụ chia sẻ dữ liệu trong hệ thống thông tin (nghĩa hẹp).
Trước tiên ta phân tích nghĩa tổng quát: Dịch vụ chia sẻ dữ liệu là dịch vụ... Vậy dịch vụ là gì?
Theo từ điển tiếng Việt ngôn ngữ học Việt Nam (Minh Tân, Thanh Nghi, Xuân lãm – NXB Thanh Hóa): dịch vụ là công việc phục vụ trực tiếp cho những nhu cầu nhất định của số đông, có tổ chức và được trả công. Hay theo Philip Kotler (được nhiều nguồn chấp nhận và trích dẫn) “dịch vụ là bất kỳ hoạt động hay lợi ích nào mà chủ thể này cung cấp cho chủ thể kia, trong đó đối tượng cung cấp nhất thiết phải mang tính vô hình và không dẫn đến quyền sở hữu một vật nào cả, còn việc sản xuất dịch vụ có thể hoặc không có thể gắn liền với một sản phẩm vật chất nào”.
Nhìn lại và kết nối với định nghĩa dịch vụ chia sẻ dữ liệu ta thấy các điểm sau trong định nghĩa cũng phù hợp với bối cảnh và định hướng của Nghị định:
- Hai chủ thể đối với dịch vụ chia sẻ dữ liệu là: cơ quan cung cấp và cơ quan khai thác dữ liệu
- Đối tượng cung cấp dữ là dữ liệu: dữ liệu có tính vô hình phi vật chất phù hợp với định nghĩa về dịch vụ
- Không dẫn đến quyền sở hữu: chia sẻ dữ liệu chỉ cung cấp quyền sử dụng dữ liệu được chia sẻ
- Cung cấp cho số đông: dịch vụ chia sẻ dữ liệu định hướng sẽ thiết lập một lần cho nhiều cơ quan khai thác dữ liệu truy cập sử dụng, hạn chế chia sẻ theo hình thức bắt tay 1-1.
Còn công việc/hoạt động là gì? đây chính là yêu cầu, tác vụ của cơ quan cung cấp được quy định trong Nghị định bao gồm các hoạt động để đảm bảo khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu (Mục 4, Chương II); chỉ định đầu mối kết nối, chia sẻ dữ liệu (Điều 7); hay quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu (Mục 4, chương III) và nhiều các hoạt động, yêu cầu khác được quy định trong Nghị định; bao gồm cả các hoạt động cần thiết khác mà cơ quan cung cấp phải đảm bảo để thực hiện mục tiêu chia sẻ dữ liệu.
Khi nói đến dịch vụ trong ngôn ngữ công nghệ thông tin, hệ thống thông tin: đây chính là về thứ hai của khái niệm “là giao diện tương tác của phần mềm phục vụ tiếp nhận kết nối và trao đổi các thông điệp dữ liệu với các hệ thống bên ngoài”.
Để làm rõ nghĩa của khái niệm này phù hợp trong bối cảnh kết nối, chia sẻ dữ liệu sẽ có các khái niệm thông dụng thường được nhắc đến là Dịch vụ web. Dịch vụ web cũng không có định nghĩa thống nhất [i] và được có nhiều các cách hiểu khác nhau nhưng ta có thể chấp nhận một khái niệm tương đối thông dụng là:
- Dịch vụ web [ii] là dịch vụ (phần mềm) được sử dụng để liên lạc giữa hai thiết bị trên mạng. Cụ thể hơn, dịch vụ Web là một ứng dụng phần mềm với cách thức chuẩn hóa để cung cấp khả năng tương tác giữa các ứng dụng khác nhau. Nó thực hiện trên HTTP bằng cách sử dụng các công nghệ như XML, SOAP, WSDL và UDDI.
- Dịch vụ web[iii] là một ứng dụng hoặc nguồn dữ liệu có thể truy cập thông qua giao thức web tiêu chuẩn ( HTTP hoặc HTTPS ). Không giống như các ứng dụng web, các dịch vụ web được thiết kế để giao tiếp với các ứng dụng khác, thay vì trực tiếp với con người.
Các định nghĩa này cũng tương đương nghĩa với khái niệm của dịch vụ chia sẻ dữ liệu (trong hệ thống thông tin) của Nghị định mặc dù có cụ thể chỉ rõ đặc tính kỹ thuật.
Một liên quan khác trong việc triển khai kết nối giữa các hệ thống thông tin hiện tại là giao diện phần mềm ứng dụng API (Application Program Interface). API là tập hợp các lệnh và chỉ dẫn cụ thể để xử lý dữ liệu. API nghĩa trong tiếng Việt cũng tương đối sát với Khái niệm nghĩa hẹp trong khái niệm trong Nghị định. Như vậy, Dịch vụ chia sẻ dữ liệu nghĩa hẹp có liên quan trực tiếp tới Webservice và API phục vụ triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin.
API với Webservice có gì khác nhau? Trong khi API là tập các lệnh và chỉ dẫn cụ thể sử dụng để truy cập dữ liệu thì dịch vụ web là một dịch vụ thực sự được cung cấp bởi một nguồn dữ dữ liệu trên môi trường mạng. Và tất cả các webservice được triển khai bởi API nhưng không phải tất cả API là webservice [iv]
Từ những phân tích, tham khảo trên, trên cơ sở các nội dung quy định tại Nghị định ta có thể rút ra vài điều:
- Trong bối cảnh Nghị định là hành lang pháp lý cơ bản nên hiểu theo nghĩa rộng của dịch vụ chia sẻ dữ liệu. Nghĩa hẹp có vai trò thể hiện rõ hơn giải pháp sẽ triển khai khi thực hiện nhưng không lấy nghĩa hẹp làm vai trò chính để hiểu khái niệm dịch vụ chia sẻ dữ liệu.
- Theo như khái niệm của dịch vụ, nghĩa rộng hay hẹp phụ thuộc vào chủ thể của dịch vụ. Nếu chủ thể là cơ quan thì hiểu theo nghĩa rộng, chủ thể là hệ thống thông tin được hiểu theo nghĩa hẹp.
- Sử dụng khái niệm dịch vụ khi chia sẻ dữ liệu trong Nghị định để thể hiện:
o Sự phục vụ của cơ quan cung cấp/hệ thống thông tin cung cấp dữ liệu thể hiện trong các điều khoản về trách nhiệm chia sẻ và đảm bảo khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu.
o Dịch vụ sẽ cung cấp hướng tới số đông để đảm bảo tối ưu khi chia sẻ dữ liệu (ưu tiên kết nối theo hình thức mặc định).
o Cung cấp dịch vụ phải có tổ chức và chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa (phải chuẩn hóa cấu trúc dữ liệu trao đổi, giao diện dịch vụ, mô tả dịch vụ)
o Dịch vụ phải công khai, minh bạch và được tiếp cận và thúc đẩy nhiều người sử dụng dịch vụ (đăng tải thông tin về dịch vụ chia sẻ dữ liệu).
o Dịch vụ phải có thị trường, sàn giao dịch dịch vụ (hệ thống quản lý dịch vụ chia sẻ dữ liệu)
o Dịch vụ có thể thực hiện theo hình thức đặt hàng và thực hiện theo nhu cầu (chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù). Điều này không ưu tiên nhưng cũng sẽ luôn tồn tại.
- Công khai dịch vụ sẽ sẽ là công khai thông tin mà cơ quan cung cấp cho người khai thác dịch vụ bao gồm cả theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp (thông tin kỹ thuật).
- Cơ quan cung cấp dữ liệu sẽ là cơ quan được quyết định dịch vụ nhưng dịch vụ được triển khai phải đáp ứng nhu cầu số đông người sử dụng.
- Đối với nghĩa hẹp, dịch vụ sẽ được thể hiện qua dịch vụ web và sâu hơn là qua các webAPI. Tuy nhiên nó có vai trò định hướng và khi gặp phải vấn đề về ta phải quay lại nghĩa rộng để giải quyết.
Như đã nói ở trên, hiểu kỹ thuật nhất khi triển khai kết nối hệ thống qua các dịch vụ web bởi các API phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên một số người có thể băn khoăn khi triển khai dịch vụ (trong trường hợp nghĩa hẹp): bên nào sẽ triển khai các API?. Điều này phụ thuộc vào cơ quan cung cấp dữ liệu nhưng phải đảm bảo các yếu tố theo định hướng trên về dịch vụ.
Trường hợp bên cung cấp dữ liệu triển khai API trên hệ thống của mình để bên khai thác tạo các yêu cầu gọi đến khai thác dữ liệu. Mỗi API sẽ phục vụ đa mục đích khai thác theo thông số yêu cầu. Điều này là tối ưu nhất và phù hợp trong đa số trường hợp đặc biệt theo hình thức chia sẻ mặc định. Nghị định quy định hướng tới điều này để thúc đẩy chia sẻ dữ liệu.
Tuy nhiên trường hợp API được bên khai thác dữ liệu triển khai và bên cung cấp dữ liệu kết nối, đổ dữ liệu vào API đó thì có vi phạm các quy định của Nghị định không? Câu trả lời là không nhưng không được khuyến khích. Trường hợp này có thể áp dụng đối với trường hợp chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù và dịch vụ được hiểu trong Nghị định là các hoạt động, các hạng mục kỹ thuật của bên cung cấp dữ liệu kết nối, đổ dữ liệu vào API khai thác và bên cung cấp vẫn có quyền quyết định giao diện của API đó theo Nghị định và phụ thuộc vào nội dung thống nhất chia sẻ dữ liệu đã được ghi nhận.
Như vậy, chỉ một khái niệm trong Nghị định thôi cũng cần phân tích để hiểu bản chất của vấn đề mà văn bản đề cập và hướng tới. Mục tiêu cao nhất là đạt được mục đích của văn bản mong muốn điều chỉnh để hiểu và triển khai cho phù hợp với ngữ cảnh, bối cảnh văn bản.
[i] https://www.tutorialspoint.com/webservices/what_are_web_services.htm
[ii] https://www.techopedia.com/definition/25301/web-service
[iii] https://techterms.com/definition/web_service
[iv] https://www.guru99.com/api-vs-web-service-difference.html