Theo đó, tại Thông báo 276/TB-VPCP ngày 5/9 kết luận Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc triển khai Đề án 06 là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài; những khó khăn, thách thức phía trước còn nhiều, thậm chí không ít “lực cản”.
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phải xác định lộ trình phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, phục vụ người dân, doanh nghiệp và nâng cao năng lực quản lý của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp. Nghiên cứu, phát triển CSDL quốc gia về dân cư bảo đảm giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý hành chính nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và bảo đảm phù hợp với lợi ích quốc gia, phục vụ những vấn đề lớn, bao trùm hơn và tổng thể hơn.
Đồng thời, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của hệ thống chính trị, sự tham gia và hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; phải triển khai bằng được hệ sinh thái công dân số để người dân, doanh nghiệp hiểu, sử dụng, làm giàu thông tin, là một bộ phận không thể tách rời đời sống kinh tế, xã hội của người dân. Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu hiệu quả; có tính kết nối, liên thông, chia sẻ cao phục vụ phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số, nâng cao vị thế quốc gia, ngang tầm khu vực, quốc tế.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát việc triển khai CSDL quốc gia về dân cư. Khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời. Phối hợp hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân; triển khai một cách nhân văn tạo sự đồng thuận trong xã hội, hợp lòng dân để người dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, tham gia tích cực.
Thực hiện chủ trương “đúng, đủ, sạch, sống” về dữ liệu trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, cần kiên trì thực hiện. Phát triển CSDL quốc gia về dân cư thời gian tới cần phải thể hiện được tính “thuận lợi, công khai, minh bạch, đồng thuận xã hội, đảm bảo được an ninh, an toàn cho người dân”. Tạo dựng và giữ vững niềm tin của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong thực hiện Đề án 06. Các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm, triển khai có hiệu quả để người dân, doanh nghiệp thấy được tiện ích, tiết kiệm, hiệu quả và bảo mật thông tin, từ đó đồng tình ủng hộ và hưởng ứng tham gia thực hiện.
Đối với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu quán triệt tinh thần, quyết tâm, quyết liệt, kiên trì, chỉ đạo thực hiện Đề án đến cấp cơ sở để góp phần tạo đột phá trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia, với quan điểm “chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, việc cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó, không chung chung, dàn trải”. Chủ tịch UBND các cấp quyết tâm, quyết liệt, chỉ đạo triển khai Để án; đồng thời quán triệt và tạo sự lan tỏa trong hệ thống chính trị nói chung, đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và phải có sự ủng hộ của Nhân dân.
Các địa phương khẩn trương đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định trong Đề án và 29 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ; chủ động rà soát các dịch vụ công tại cấp huyện và cấp xã để thống nhất tập trung giải quyết.
Rà soát, hoàn thiện các hệ thống thông tin, CSDL, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình của Đề án. Khẩn trương kết nối dữ liệu tổng hợp dân cư về Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phục vụ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc việc đầu tư, thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện an toàn thông tin, an ninh mạng. Nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác công tư, khai thác hiệu quả các hệ thống thông tin; nghiên cứu đề xuất cơ chế có bù đắp trở lại cho sự phát triển trên cơ sở quy định của các văn bản quy định pháp luật hiện hành…